Hà Nội: Thường Tín phát triển công nghiệp văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mới Hà Nội; NTM Hà Nội; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; OCOP Hà Nội; Nông thôn Hà Nội, sản phẩm Ocop, Ocop 5 sao
Phát huy lợi thế là vùng đất danh hương, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc với 68 Nhà khoa bảng qua các triều đại phong kiến,126 di tích được xếp hạng, huyện Thường Tín đã sớm chủ động triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt chú trọng triển khai các tiêu chí về văn hóa tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới.
Thường Tín là vùng đất thuộc đồng bằng Bắc bộ, có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ XV nhà Lê sơ, “tên gọi Thường Tín” xuất hiện với tư cách là một Phủ thuộc Thừa tuyên Sơn Nam gồm với 3 huyện: Thanh Trì, Thượng Phúc (Thường Tín) và Phú Xuyên. Năm Minh Mệnh thứ 12, ngày 04/11/1831, nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính với quy mô lớn, chia cả nước thành 30 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ (Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân), 15 huyện, trong đó có huyện Thượng Phúc (Thường Tín ngày nay). Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, là mốc son trong lịch sử phát triển của huyện Thường Tín, gắn với lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Đông. Đến năm 1965, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây, gồm 32 xã. Sau nhiều lần điều chỉnh diện tích tự nhiên và nhân khẩu, từ ngày 01/8/2008, khi tỉnh Hà Tây sáp nhập với thủ đô Hà Nội, huyện Thường Tín trở lại là đơn vị cấp huyện của Hà Nội.
Nhìn vào lịch sử, huyện Thường Tín đã trải qua nhiều giai đoạn với những năm tháng vàng son cả về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa. Gần 10 thế kỷ dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Thường Tín có 68 nhà khoa bảng, trở thành địa phương có số lượng Nhà khoa bảng lớn nhất Hà Nội, tiêu biểu là Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và các vị tiến sĩ, học sĩ nổi tiếng: Cụ Lý Tử Tấn, cụ Dương Chính, Cụ Dương Trực Nguyên, Cụ Lương Văn Can, cụ Trần Trọng Liêu... Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Đế quốc Mỹ xâm lược, huyện Thường Tín luôn được coi là vùng đất cách mạng kiên trung.
Ngày 16/11/1947, Đảng bộ huyện Thường Tín tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Đây là mốc son ghi dấu quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện Thường Tín. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ huyện Thường Tín đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương. Ngày 28/8/1954 đã đi vào lịch sử đối với quân và dân Thường Tín - Ngày tiếp quản giải phóng huyện. Cán bộ, Nhân dân huyện Thường Tín luôn tự hào về truyền thống văn hiến của Vùng đất danh hương, lịch sử của Huyện Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc; trong đó, có việc “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.” Phát huy lợi thế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội đã sớm chủ động triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU Thành ủy Hà Nội ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Huyện Thường tín đã nghiêm túc triển khai thực hiện gắn với việc xây dựng chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã quan tâm chỉ đạo thông qua các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa.
Trong Nghị quyết Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã chỉ rõ, huyện Thường Tín phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 và trở thành một Quận của Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Cụ thể hoá mục tiêu, Huyện Thường Tín đã ban hành Chương trình số 02, ngày 22/8/2020 về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử huyện Thường Tín giai đoạn 2020-2025” và chương trình số 04 ngày 22/8/2020 về “Phát triển, văn hóa xã hội trên nền tảng văn hiến truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2020-2025”.
Huyện đã triển khai xã hội hóa 25 bức tượng gỗ sơn son thiếp vàng, tượng đá và hệ thống hoành phi câu đối tại Văn Từ Thượng Phúc( Công trình Văn Từ Thượng Phúc trị giá hơn 50 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Him Lam tài trợ). Công trình Văn Từ đã và đang thu hút nhiều du khách thập phương xa gần đến lễ, tham quan. Hiện nay huyện Thường Tín đang triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện. Huyện có 462 di tích văn hóa lịch sử, trong đó, có 126 di tích cấp Quốc gia và Thành phố. Bên cạnh đó có 48 làng nghề được Thành phố công nhân và 01 làng nghề Hà Nội. Huyện có các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Hà Nội được Nhà nước, Thành phố tôn vinh, trao tặng danh hiệu.
Huyện Thường Tín là vùng đất khoa bảng. Qua gần 1000 năm, từ khoa thi đầu tư triều nhà Lý cho đến triều nhà Nguyễn, huyện Thường Tín có 68 nhà khoa bảng đỗ đạt và làm quan dưới các triều đại phong kiến như Cụ Nguyễn Trãi – Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, cụ Lý Tử Tấn, cụ Dương Trực Nguyên, cụ Trần Trọng Liêu, cụ Nguyễn Ý…
Huyện Thường Tín được các đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn -Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Hà Minh Hải- Phó Chủ tịch UBND Thành phố; đồng chí Tạ Quang Đông-Thứ Trưởng Bộ VHTTDL tới dự Lễ Khởi công Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc- Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ngày 14/11/2022. Sau một thời gian, đến nay, khối lượng xây dựng đã hoàn thành 80% tiến độ. Huyện đã phát động xã hội hóa hàng cây, hệ thống hoành phi câu đối, hiện vật trong Khu Lưu niệm; tổ chức các Hội thảo khoa học về trưng bày bài trí trong Khu lưu niệm. Đặc biệt huyện đã triển khai xã hội hóa việc đúc và an vị tượng đồng Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Ngoài ra, Huyện đã tổ chức Hội thảo về dự án tu bổ tôn tạo Cụm di tích Đền, Chùa thôn Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi-Nơi thờ phụng Quỳnh hoa công chúa. Dự án Cụm di tích Đền, Chùa thôn Vĩnh Mộ sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai trên đất tôn giáo tín ngưỡng hiện có; giai đoạn 2 triển khai trên toàn bộ khuân viên đảm bảo phát huy giá trị văn hóa lịch sử cũng như chủ trương thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy về Công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, tiếp thu sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, huyện Thường Tín đã triển khai các dự án phát triển khu vực Thị trấn với điện, đường, trường, trạm, trụ sở, trong đó, có Dự án 1,6 km QL1A đủ mặt cắt qua Thị trấn; cầu vượt Dương Trực Nguyên bắc qua Quốc lộ 1A thực hiện bằng nguồn ngân sách huyện và hệ thống đường trục Lý Tử Tấn, đường Doãn Hành Tuấn và các công trình giao thông vận tải tạo cơ sở phát triển công nghiệp văn hóa. Huyện đã quy hoạch phát triển Đô thị và Nhà ở xã hội tại Thị trấn và các xã xung quanh khu vực phía bắc Vành đai 4 – vùng thủ đô và khu vực phía nam trong quy hoạch Khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Tập trung phát triển đô thị gắn với công nghiệp văn hóa và xây dựng huyện chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Căn cứ Nghị quyết của HĐND-UBND Thành phố và của Huyện ủy-HĐND-UBND huyện về triển khai các công trình văn hóa lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể. Huyện cố gắng hoàn thành chủ trương dự án tu bổ, tôn tạo phát huy văn hóa lịch sử công trình Văn Từ huyện xưa thuộc địa bàn xã Tô Hiệu; tăng cường bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể của Hát trống quân xã Khánh Hà, Hát chèo xã Nghiêm Xuyên, xã Dũng Tiến, Múa rối cạn xã Nguyễn Trãi, Ca trù xã Tô Hiệu. Huyện cũng đã xuất bản cuốn sách về Truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng của Đảng bộ Nhân dân huyện
Huyện Đạt nông thôn mới
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Thành uỷ về Công nghiệp văn hóa với phát triển làng nghề, xây dựng Nông thôn mới nâng cao, du lịch dịch vụ, huyện Thường Tín đã tích cực triển khai và sớm khởi công Công trình Tháp Chí Nghĩa đồng bộ với Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi để trở thành địa chỉ cho du khách đến thăm quan, vãn cảnh. Bên cạnh đó, huyện triển khai mạnh mẽ, huy động nguồn lực tại chỗ để có đủ nguồn lực phát triển huyện đạt Nông thôn mới nâng cao; phát triển các dịch vụ du lịch nhằm tạo nhiều nguồn thu cho ngân sách huyện. Trên cơ sở những Nghị quyết chỉ đạo sáng suốt về văn hóa, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, tinh thần, nền tảng tư tưởng để xã hội phát triển bền vững, lành mạnh và đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế - xã hội. Huyện Thường Tín nghiêm túc triển khai, đặc biệt nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU Thành ủy Hà Nội ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với những cố gắng và kết quả đạt được, huyện Thường Tín đã được Thủ tướng Chính Phủ có quyết định cấp bằng công nhân huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020 và năm 2021 được đón nhận huân chương lao động hạng 3 về thành tích xây dựng Nông thôn mới. Đến nay toàn huyện có 13/28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 03 xã đat NTM kiểu mẫu là Hồng Vân, Nhị Khê, Minh Cường. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao và cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 70,5 triệu đồng.
Có thể khẳng định rằng, phát triển công nghiệp văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Tín (Hà Nội) đã, đang và sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng về phát triển văn hoá. Đời sống, vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, đó là điểm tựa để xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Thường Tín. Những kết quả đạt được về phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới sẽ là nền tảng quan trọng để Thường Tín phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giúp người dân của Thường Tín được thụ hưởng những thành quả từ sự tiến bộ của xã hội.