Tác giả: Thanh Nam - 10/01/2024
A A
Hà Nội: Doanh thu của các làng nghề đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng
Nông thôn mới Hà Nội; NTM Hà Nội; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; OCOP Hà Nội; Nông thôn Hà Nội, sản phẩm Ocop, Ocop 5 sao

Toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã.
Trong đó, 274 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6 nhóm nghề. Cụ thể, làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 197 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 5 làng nghề.

Nhìn chung, sản phẩm của làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thể mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; mây tre đan; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè...).
Một số làng nghề có doanh thu hàng năm cao như làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (huyện Thạch Thất) doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh) có doanh thu bình quân đạt 1.100 tỷ đồng; 2 làng nghề giầy da thôn Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) đạt 500 - 700 tỷ đồng…
Theo tổng hợp báo cáo từ các quận, huyện, thị xã, tổng doanh thu năm 2023 của các làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. Các làng nghề tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, khoảng 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm, khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.
Cùng với doanh thu lớn, sự phát triển của các làng nghề cũng giúp cải thiện thu nhập cho người lao động, hiện đạt bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này nhìn chung còn thấp và chưa đồng đều, nhưng vẫn cao hơn so với lao động thuần nông.
Chị Nguyễn Thị Ngoãn - Ứng Hoà, Hà Nội chia sẻ: "Tôi vui lắm, Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển về ngành tăm hương. Số lượng bán ra nhiều, bà con lại có thêm giờ làm, thêm thu nhập".
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, phát triển làng nghề được UBND TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Đây cũng là một trong những mục tiêu qua trọng trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội. 
Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam cho biết: Hà Nội cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để thúc đẩy các ngành nghề nông thôn; trong đó, mỗi làng nghề, ngành nghề cần xây dựng được kế hoạch phát triển riêng với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể…

CÁC TIN KHÁC