Hà Nội chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Nông thôn mới Hà Nội; NTM Hà Nội; Chương trình mỗi xã một sản phẩm; OCOP Hà Nội; Nông thôn Hà Nội, sản phẩm Ocop, Ocop 5 sao
Năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nên đã giúp cho chăn nuôi phát triển bền vững, ổn định.
Hà Nội hiện có khoảng 41,6 triệu con gia cầm, 1,5 triệu con lợn, 29.000 con trâu, 129.000 con bò. Thành phố Hà Nội cũng có tới 6.515 trang trại chăn nuôi, trong đó có 91 trang trại quy mô lớn, 1.387 trang trại quy mô vừa, 5.037 trang trại quy mô nhỏ và 173.608 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô, năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã tập trung thực hiện quản lý, hướng dẫn phát triển chăn nuôi theo định hướng của thành phố là tăng chăn nuôi, sản xuất con giống chất lượng, có giá trị cao, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã tổ chức lấy 2.750 mẫu huyết thanh để kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng, với tỷ lệ mẫu bảo hộ chung đạt từ 70% trở lên. Trong năm 2023, trên địa bàn toàn thành phố đã tiêm phòng vắc xin lở mồm, long móng cho đàn trâu, bò đạt 94% kế hoạch; viêm da nổi cục trâu, bò đạt 97,4%; lở mồm, long móng cho đàn lợn đạt 92,6%; bệnh dịch tả lợn đạt 92,3%; tai xanh lợn đạt 92%; cúm gia cầm đạt 95,1%...
Hiện tại, ngoài nguồn vắc xin thành phố hỗ trợ (trâu, bò được hỗ trợ vắc xin phòng bệnh lở mồm, long móng, viêm da nổi cục; lợn nái và đực giống được hỗ trợ vắc xin phòng bệnh tai xanh, dịch tả; với gia cầm sinh sản được hỗ trợ vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm), thì người chăn nuôi phải tự mua các loại vắc xin cho đàn lợn, đàn gia cầm thương phẩm.
Mặc dù người chăn nuôi đã từng bước chủ động tiêm các loại vắc xin, nhưng nhìn chung tỷ lệ tiêm phòng và chất lượng tiêm phòng cho đàn thương phẩm của người chăn nuôi chưa cao. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về tiêm phòng cho đàn gia súc còn thấp; một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh... Cùng với đó, thời tiết khí hậu dịp cuối năm biến động thất thường, môi trường ô nhiễm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm cao.
Để tháo gỡ khó khăn và phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả, trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thực hiện tốt đợt tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn thành phố, tập trung cao ở các khu chăn nuôi tập trung, nơi có ổ dịch cũ, các khu kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, nhất là các cơ sở giết mổ, chợ có bán gia súc, gia cầm sống, nơi có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cao. Mặt khác, tuyên truyền để người dân, chủ hộ, chủ cơ sở giết mổ chủ động phun vệ sinh tiêu độc định kỳ tại chuồng nuôi, các khu giết mổ để ngăn chặn mầm bệnh tồn tại phát tán. Điều quan trọng là người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh và tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc; tăng cường kiểm soát vận chuyển, mua bán động vật và sản phẩm động vật, giết mổ động vật dịp cuối năm; quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở giết mổ động vật tập trung. Về lâu dài, các sở, ngành tham mưu cho thành phố ban hành chính sách để tạo điều kiện nâng cao mức phụ cấp cho đội ngũ thú y cơ sở, nhất là đối với nhân viên thú y cấp xã gắn bó với nghề, yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thành phố, các sở, ngành, chắc chắn chăn nuôi của Hà Nội sẽ bảo đảm cung ứng cho người tiêu dùng những sản phẩm gia súc, gia cầm an toàn, chất lượng dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.